Tin tức

7 "KHÔNG" LẬP TRÌNH VIÊN NÊN TRÁNH

7 "KHÔNG" LẬP TRÌNH VIÊN NÊN TRÁNH

14/01/2021 16:06

Mỗi Lập trình viên, Nhân viên IT thường tự xây dựng cho mình một kế hoạch để nâng cao các kỹ năng chuyên môn cũng như phát triển sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, dù đi theo định hướng phát triển nào thì bạn cũng cần tránh những những yếu tố có thể cản đường sự nghiệp của bạn. 

7 “KHÔNG” mà mọi lập trình viên cần tránh để có một sự nghiệp hoàn hảo. Cùng tìm hiểu ngay thôi!

 

1. Không có mục tiêu rõ ràng xây dựng sự nghiệp hoàn hảo

Trên hành trình xây dựng sự nghiệp hoàn hảo, bạn sẽ khó lòng đạt được thành công nếu không xây dựng cho mình những mục tiêu cụ thể cần thực hiện. Hơn ai hết, bạn là người hiểu bản thân đang ở vị trí nào và cần những gì để phát triển sự nghiệp. Thay vì chỉ nói: “Tôi sẽ trở thành một Project Manager trong khoảng 10 năm nữa” thì bạn cần xây dựng một lộ trình sự nghiệp theo giai đoạn với danh sách mục tiêu ngắn hạn rõ ràng. Việc lập kế hoạch chi tiết như vậy sẽ giúp bạn tập trung vào định hướng sự nghiệp của bản thân, tránh bị “lầm đường lạc lối”.

Hãy nghiêm túc ngồi lại suy nghĩ và lên một bản kế hoạch xây dựng sự nghiệp hoàn hảo của chính bạn. Bắt đầu từ những mục tiêu gần với năng lực và nhu cầu của bản thân nhất. Ví dụ bạn đang yếu về ngôn ngữ Ruby, bạn cần đặt mục tiêu tham gia dự án sử dụng Ruby, hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn để có cơ hội cọ sát, học hỏi.

Khi hoàn thành được mục tiêu này, bạn phải chiến đấu ngay với những mục tiêu tiếp theo. Sẽ có những “chặng nghỉ” giúp bạn tái tạo năng lượng nhưng đừng nghỉ quá lâu, vô tình sức ì sẽ khiến bạn bị chậm kế hoạch, đôi khi là quay về vạch xuất phát.

Một kế hoạch dù có hoàn hảo đến đâu nhưng nếu chỉ nằm trong đầu bạn thì nó chẳng có nghĩa lý gì. Bạn nên viết kế hoạch ra giấy và đặt nó ở nơi có thể thấy hàng ngày để nhắc nhở bản thân luôn luôn cố gắng, kiên định với mục tiêu phát triển sự nghiệp lập trình của mình.

 

 

2. Không có những kỹ năng mềm “sống còn”

Có rất nhiều lập trình viên thực sự giỏi trong chuyên môn, dù gặp bug lớn cỡ nào cũng có thể giải quyết một cách nhanh gọn. Đó là điểm cộng và cũng là điểm mạnh duy nhất của họ, những kỹ năng liên quan như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình lại bị bỏ qua không được phát triển.

Thực tế có hàng trăm nghìn lập trình viên dù có đến 5 năm, 10 năm kinh nghiệm vẫn chỉ là Senior Developer, không có cơ hội thăng cấp lên các vị trí quản lý. Nguyên nhân của thực trạng này là bởi họ không có sự đầu tư vào phát triển các kỹ năng mềm “sống còn” mà một lập trình viên cần có. Những lập trình viên này thường chỉ tập trung vào nâng cấp kiến thức của bản thân mà quên đi việc phải có sự kết nối với đồng nghiệp, đội nhóm để có sự phát triển toàn diện.

Đối với lĩnh vực lập trình, kiến thức và kinh nghiệm có thể quan trọng hơn tấm bằng đại học, nhưng nếu chỉ có những thứ đó, sự nghiệp của bạn sẽ mãi “giậm chân” tại chỗ, cơ hội để có một sự nghiệp hoàn hảo cũng sẽ không xuất hiện. Có nhiều kỹ năng mềm quan trọng khác cần thiết giúp bạn xây dựng một sự nghiệp hoàn hảo như:

  • Kỹ năng giải thích, thuyết trình
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng làm việc nhóm
  • Kỹ năng quản lý
  • Kỹ năng tìm kiếm
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề

Không chỉ riêng với việc làm ngành IT, những kỹ năng mềm trên cũng là những điểm cộng giúp bạn tỏa sáng trong mọi lĩnh vực.

3. Không kết nối với đồng nghiệp

Cùng làm việc trong một tập thể, bạn không thể tự tách biệt bản thân với suy nghĩ chỉ cần làm tốt công việc được giao. Cô lập không phải cách bạn bảo vệ bản thân mà là tự mình đóng lại cánh cửa phát triển sự nghiệp. Bạn không thể biết trước tương lai mình sẽ gặp phải vấn đề gì, chính vì vậy bạn cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết và những mối quan hệ sẵn sàng hỗ trợ bạn lúc khó khăn nhất.

Nhiều lập trình viên nói rằng họ gặp khó khăn trong giao tiếp nên việc kết nối với đồng nghiệp là một rào cản lớn với họ. Nhưng thực tế cho thấy các lập trình viên càng tích cực trao đổi với nhau, tham gia vào các diễn đàn công nghệ giúp họ cải thiện được kỹ năng giao tiếp, đồng thời cũng mở rộng mối quan hệ bên ngoài hơn. Đó có thể là những khởi đầu cho việc họ nhận được những cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai.

Nếu quá khó khăn trong việc nói chuyện trực tiếp, bạn cũng có thể bắt đầu bằng việc tham gia thảo luận và đăng tải các bài chia sẻ kiến thức của mình lên các forum, blog dành cho Lập trình viên. Khi cảm thấy đủ tự tin, bạn cũng có thể xây dựng một blog Lập trình của riêng mình.

 

4. Không chuyên sâu về một ngôn ngữ lập trình

Nếu bạn biết rất nhiều kiến thức lập trình nhưng lại chẳng nổi trội ở một mảng nào thì thật khó khăn để có thể phát triển một sự nghiệp hoàn hảo. Bạn nên cân nhắc chọn một mảng mà bản thân cảm thấy thích nhất hoặc có khả năng phát triển để tập trung đi theo. Hãy trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực thay vì mỗi thứ biết một chút. Việc làm lập trình hiện nay có rất nhiều nhưng sẽ có nhiều trở ngại nếu bạn không có đủ kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

5. Không xây dựng thương hiệu cá nhân

Một sự nghiệp hoàn hảo thì không thể thiếu khâu xây dựng thương hiệu cá nhân. Có thể bạn nghĩ xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ quan trọng với KOLs, những lập trình viên ngày ngày viết code thì đâu cần quan tâm đến. Thế nhưng những cơ hội tuyệt vời sẽ rộng mở hơn nếu như tên tuổi có bạn có một sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng các nhà lập trình. 

Không nhất thiết phải xây dựng một chiến dịch dài hơi về xây dựng thương hiệu, bạn chỉ cần bắt đầu từ những điều cơ bản nhất như việc tự xây dựng blog và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thú vị của bản thân. Những giá trị thực sự tốt sẽ được lan tỏa một cách tự nhiên và thương hiệu cá nhân của bạn cũng dần được khẳng định.

6. Không làm thêm

Ngoài công việc chính hàng ngày trên công ty, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian rảnh để tham gia vào các dự án bên ngoài. Đây là cách tuyệt vời giúp bạn vừa cải thiện kỹ năng, vừa cập nhật và thực hành những kiến thức công nghệ mới. So với việc chỉ dành 8 –  9 tiếng mỗi ngày trên công ty, các dự án bên ngoài mang đến cho bạn cơ hội kết nối với nhiều developer giỏi khác và học hỏi thêm những kỹ năng mới từ họ. Bạn nên tham gia vào những dự án có sử dụng những công nghệ mà bản thân muốn làm việc để nâng cao kỹ năng của bản thân. Như vậy, cùng một khoảng thời gian, bạn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng ở nhiều mảng khác nhau; cơ hội xây dựng sự nghiệp hoàn hảo của bạn cũng trở nên rộng mở hơn.

Các dự án bên ngoài có thể không phải là nguồn thu nhập chính của bạn nhưng nó sẽ mở ra cơ hội để bạn có được những cơ hội việc làm tốt hơn hoặc trở thành công việc chính thức của bạn. Những nhà lập trình nổi tiếng như Jeff Atwood và Joel Spolsky cũng bắt đầu với dự án “làm thêm” là xây dựng Blog cho Dev và đã phát triển nó trở thành diễn đàn nổi tiếng toàn cầu Stackoverflow.

7. Không trau dồi kiến thức bổ trợ sự nghiệp hoàn hảo hơn

Trong lĩnh vực IT, kiến thức là thứ mà bạn phải liên tục cập nhật bởi trung bình một ngôn ngữ lập trình sẽ được cập nhật sau 5 – 6 năm. Nếu bạn không chủ động cập nhật kiến thức mới thì khả năng cao là bạn sẽ đi lùi với công nghệ. Chưa kể đến, mức độ cạnh tranh việc làm IT ngày càng gay gắt, những lập trình viên không đáp ứng yêu cầu năng lực của các nhà tuyển dụng hoặc sẽ bị đào thải ngay lập tức, hoặc là phải chật vật tìm kiếm cơ hội phù hợp với bản thân.

Cách đơn giản nhất để bạn cập nhật kiến thức của mình là thường xuyên truy cập các blog lập trình, đọc thêm những cuốn sách giúp bạn mở rộng vốn kiến thức của mình. Bạn nên đặt ra mục tiêu cho bản thân mỗi ngày cần học bao nhiêu trang sách, tìm hiểu về những công nghệ nào để “tích tiểu thành đại”, bạn sẽ thấy sự tiến bộ rõ rệt của bản thân sau khoảng 1 – 2 năm.

Hy vọng bài viết này có thể giúp các lập trình viên đã nhìn nhận được những mặt tốt, những điểm còn hạn chế của bản thân để hoàn thiện và sửa đổi. Những lời khuyên sẽ chỉ hữu ích khi bạn thực sự hành động để xây dựng một sự nghiệp hoàn hảo khiến bao developer mơ ước.

- Nguồn tổng hợp -

 

==>> Tìm hiểu các khóa Lập trình tại BKACAD: https://www.bkacad.edu.vn/khoa-hoc-lap-trinh-quoc-te-cco64.html