Tin tức

DEVOPS: CÔNG CỤ ĐẮC LỰC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

DEVOPS: CÔNG CỤ ĐẮC LỰC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

21/06/2021 14:56

Những người đi đầu về công nghệ cho rằng việc chuyển đổi số thành công đòi hỏi tốc độ và sự nhanh nhạy. Vì vậy, chúng ta cần những quy trình DevOps phù hợp. Vậy liệu tổ chức của bạn có thể được hưởng những lợi ích gì trong lĩnh vực này không?

Trở lại năm 2016, công ty tư vấn kinh doanh và công nghệ Everest Group đã phát hành một báo cáo có tựa đề: “Không có DevOps, không có kỹ thuật số”. Mặc dù DevOps không phải là công cụ bắt buộc đối với chuyển đổi số, nhưng nó lại vô cùng gần gũi với chuyển đổi số.

“Nói theo cách đơn giản thì DevOps là sự tập hợp của các nhóm thiết kế, xây dựng, phân phối và vận hành công nghệ khác nhau để phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh”, Yugal Joshi - phó chủ tịch dịch vụ kỹ thuật số, đám mây và nghiên cứu dịch vụ ứng dụng của Everest Group cho biết. Trong suốt nhiều năm qua, các nhóm ngành này đã làm việc hoàn toàn độc lập. DevOps đã tập hợp họ lại với nhau với mục đích không chỉ đẩy nhanh quá trình phân phối phần mềm và quản lý cơ sở hạ tầng tốt hơn mà còn để chỉ ra điểm khó, điểm hạn chế của từng nhóm cho những nhóm còn lại.

“Nó khiến họ đánh giá cao quan điểm của người khác hơn là việc “ném đá qua tường” và hy vọng nó có hiệu quả”, ông Joshi nói.

“Trên thực tế, đó là điều bất khả thi khi bất kỳ doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi số mà không sử dụng các khái niệm về DevOps”, ông nói thêm.

Tầm quan trọng của DevOps trong quá trình chuyển đổi số

DevOps là một sự kết hợp của các nguyên lý, thực hành, quy trình và các công cụ (tool) giúp tự động hóa quá trình lập trình và chuyển giao phần mềm. Đến với DevOps, các công ty có thể lặp đi lặp lại (release) các tính năng nhỏ và kết hợp các phản hồi mà họ nhận được một cách nhanh chóng. DevOps là kết hợp của phát triển phần mềm (software development) và vận hành IT (information technology operations). Vậy DevOps có thể hỗ trợ như thế nào trong việc chuyển đổi số?

1. DevOps được tạo nên để đáp ứng cho sự thay đổi nhanh chóng, đột ngột

“DevOps trên thực tế là cách tiếp cận phát triển và triển khai các ứng dụng, cho phép việc phân phối được diễn ra liên tục”, Tapan Patel - quản lý tiếp thị cấp cao về AI và Đám mây tại SAS cho biết:

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của sự nhạy bén trong việc tiếp nhận và ứng phó với những thay đổi đột ngột và cực đoan. “Với những người đã công nhận và áp dụng DevOps thì chiến lược kỹ thuật số của họ sẽ linh hoạt hơn. DevOps cho phép họ tồn tại và trong một số hoàn cảnh, công cụ này còn giúp họ phát triển mạnh mẽ”, ông Patel khẳng định.

DevOps mang lại tư duy nhanh nhẹn, công cụ, quy trình và văn hóa nhóm giúp các doanh nghiệp tăng tốc độ phân phối phần mềm. Ảnh: The Enterprisers Project

2. DevOps khuyến khích tư duy kỹ thuật số

Các nhà phân tích cho rằng DevOps là cơ sở để tạo nên một quy trình kỹ thuật số toàn diện nhằm thích ứng với sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng,

“DevOps không chỉ đơn giản là hỗ trợ kỹ thuật mà còn là sự chuyển đổi cơ bản - chuyển sang một tư duy kỹ thuật số hơn, tận dụng tự động hóa để giải quyết bài toán khó về quản lý rủi ro khi bạn muốn tiến về phía trước nhanh hơn”, Peter A. High - chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh và công nghệ Metis Strategy khẳng định.

3. DevOps khuyến khích thử nghiệm

“DevOps mang lại tư duy nhanh nhẹn, công cụ, quy trình và văn hóa nhóm giúp các doanh nghiệp tăng tốc độ phân phối phần mềm. Việc tích cực thử nghiệm, nếm trải thất bại sớm còn hơn muộn, nhận được phản hồi từ thị trường nhanh hơn và làm đúng ngay từ khi mới bắt đầu là những nguyên lý chính của DevOps và chuyển đổi số” – ông Joshi nhận định.

4. DevOps tạo ra trách nhiệm chung

Về vai trò này, ông Joshi cho rằng: “Từ góc độ chuyển đổi số, một yếu tố quan trọng mà mọi người thường bỏ qua khi nói về DevOps đó là tầm nhìn chung, khuôn khổ hoạt động và cách đánh giá hiệu suất mà nó tạo ra. Các nhóm không chỉ chịu trách nhiệm về công việc của mình mà còn là về tác động mà họ đang tạo ra nói chung”. Khi chúng ta không còn đổ lỗi cho công việc hay đổ lỗi cho bất kì ai đồng nghĩa với việc đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ nhanh hơn.

5. DevOps xây dựng sự tin tưởng

“Theo góc độ công nghệ thì DevOps quan tâm đến văn hóa theo cách mà chúng tôi chưa từng dùng trước đây. Với trọng tâm là tối ưu hóa giá trị, chúng tôi phân bổ quyền hạn để thúc đẩy trao quyền và tự chủ. Chúng tôi coi sự tin tưởng là đặc điểm văn hóa nền tảng và nuôi dưỡng điều này thông qua tính minh bạch, tầm nhìn và cho phép các cuộc trò chuyện theo hướng data-driven (điều khiển bằng dữ liệu)” - Helen Beal, trưởng đại sứ tại DevOps Institue cho biết.

6. DevOps đánh giá phản hồi của khách hàng nhanh hơn

Dựa theo kết quả phân tích, các nhóm IT có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và thực hiện các sửa đổi. Theo ông Joshi, điều này giúp đáp ứng và định hình nhu cầu của khách hàng - một đòi hỏi mấu chốt của quá trình chuyển đổi số, đồng thời lưu ý rằng khách hàng không phải lúc nào cũng là “người dùng cuối”(end customer) mà còn là các bên liên quan, chẳng hạn như nhân viên và đối tác.

7. DevOps giúp chuyển đổi số tiết kiệm chi phí hơn

Venky Chennapragada, kiến trúc sư DevOps tại Capgemini North America, cho biết: “Các tổ chức đang phải chịu áp lực lớn về việc giảm chi phí IT - đặc biệt là chi phí chuyển đổi. Các doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ phi máy chủ trong danh mục ứng dụng của họ - và DevOps đã được mở ra để phát triển, xây dựng, kiểm tra và triển khai các ứng dụng phi máy chủ này”.

8. DevOps hỗ trợ các nhóm phát triển nhanh hơn

Các sản phẩm thành công được tung ra thị trường một cách nhanh chóng để nắm bắt lợi thế của người đi trước. Andy Sealock - giám đốc cấp cao trong lĩnh vực tư vấn và thực hành chuyển đổi tại công ty tư vấn kinh doanh và công nghệ West Monroe cho biết: “Các sản phẩm không hoàn hảo nhưng việc tiếp cận thị trường nhanh thường đánh bại các sản phẩm bóng bẩy nhưng bị trì hoãn bởi vì doanh nghiệp có thể thu thập phản hồi của khách hàng và làm lại một sản phẩm khác nhanh hơn”. Kiểm thử tự động (automating code testing), triển khai phần mềm (deployment) và giám sát thời gian thực (real-time monitoring) của hệ thống có thể giảm thời gian của chu kỳ phản hồi từ khách hàng đến kỹ sư sản phẩm.

9. DevOps cân bằng giữa tốc độ và rủi ro

Một điều chắc chắn rằng, một trong những mục tiêu của DevOps là hạn chế tình trạng quan liêu. Nhưng đồng thời nó cũng có thể giúp giảm rủi ro. Cô Beal - trưởng Đại sứ của DevOps Institute cho biết: “DevOps cân bằng giữa số lượng được đưa vào và sự ổn định và chúng tôi tiến hành thử nghiệm shift left (thử nghiệm lệch trái) kiểm tra sớm và kiểm tra thường xuyên hơn”.

“Kết quả cuối cùng là sự tuân thủ liên tục. Chúng tôi kiểm tra chất lượng, kiểm tra tính bảo mật, hiệu suất, và chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi đang thực hiện những công việc được yêu cầu bởi những quy định đang chi phối hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi tự động hóa tất cả những điều này khi chúng tôi có thể”, cô Beal nói thêm.

10. DevOps có thể đẩy nhanh công việc chuyển đổi số hiện có

Phương pháp phát triển Phần mềm linh hoạt (Agile), Điện toán đám mây (Cloud) và Bảo mật an ninh mạng (Cybersecurity) được thúc đẩy khi các tổ chức bắt đầu áp dụng vận hành DevOps và các công cụ của nó. DevOps giúp phát triển linh hoạt hơn thông qua việc tăng cường tự động hóa, cho phép tích hợp kiểm tra bảo mật tự động mỗi khi mã code được đưa ra,...

(Nguồn :Theo Viettimes)