Tin tức

Tiến sĩ Cisco” Nguyễn Quang Huy: “Ngành quản trị mạng ở Việt Nam còn rất nhiều đất diễn”

Tiến sĩ Cisco” Nguyễn Quang Huy: “Ngành quản trị mạng ở Việt Nam còn rất nhiều đất diễn”

28/03/2014 17:31

“So với các nước trong khu vực, ngành CNTT, cụ thể lĩnh vực Mạng ở Việt Nam tương đối phát triển và đã được triển khai trên diện rộng. Trong những năm tới, ngành này đòi hỏi đội ngũ nhân sự chất lượng cao để đẩy mạnh việc phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, việc này sẽ gặp nhiều khó khăn khi hầu hết sinh viên theo học ngành mạng hiện nay chưa có được phương pháp tiếp cận đúng đắn và môi trường học tập tốt nhất ” – anh Nguyễn Quang Huy, chuyên gia cao cấp mạng Cisco chia sẻ.

Là một trong số rất ít người Việt Nam đạt chứng chỉ CCIE - cấp bậc chứng chỉ cao nhất trong hệ thống chứng chỉ Quốc tế của Cisco, anh Nguyễn Quang Huy, Phó GĐ đào tạo, phụ trách mảng Network của Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD), ĐH Bách Khoa HN đã có buổi chia sẻ về ngành quản trị mạng và đào tạo nhân lực ngành này trong thực tế.

Anh Nguyễn Quang Huy - Phó GĐ đào tạo, phụ trách mảng Network của Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD)

Ngành quản trị mạng tại Việt Nam: Cần phải tập trung tối ưu hóa, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng

Được coi là “tiến sĩ Cisco”, anh đánh như thế nào về ngành quản trị mạng tại Việt Nam hiện nay?


Tại Việt Nam vai trò của CNTT đối với các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Mọi hoạt động kinh doanh hay vận hành hàng ngày của các doanh nghiệp đều cần đến sự hỗ trợ của các hệ thống CNTT như hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu … Đối với ngành mạng, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn quy mô lớn đều cần xây dựng cho riêng mình hạ tầng mạng để đảm bảo hoạt động CNTT. Các công ty viễn thông lớn như Viettel Telecom, FPT Telecom cũng đã và đang triển khai rông rãi hạ tầng mạng tới các tỉnh, huyện. Tuy nhiên nếu xét về chất lượng, tính sẵn sàng và sự đa dạng về các dịch vụ chạy trên hạ tầng mạng thì ở Việt Nam vẫn chưa được làm tốt. Trong những năm tới, song song với việc xây dựng hạ tầng thì việc phải tối ưu, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng là điều cần thiết phải làm.

Đầu tư cơ sở vật chất là 1 chuyện, nhưng nhân sự networking ở Việt Nam đã đủ để cung cấp cho sự phát triển chưa?

Do sự phát triển bùng nổ của ngành CNTT và nhu cầu cao của các doanh nghiệp nên số lượng nhân sự theo học ngành mạng là khá nhiều. Đặc thù của ngành CNTT là công nghệ mới thay đổi với tốc độ chóng mặt, ngành mạng máy tính không phải ngoại lệ. Nhân lực trong ngành ngoài việc phải hiểu được các công nghệ, kỹ thuật đang sử dụng thì phải liên tục cập nhật các công nghệ mới trên thế giới mới đưa ra. Do còn nhiều trở ngại về phương pháp học, môi trường học tập nên dù nhân lực trong ngành mạng này khá nhiều tuy nhiên số lượng nhân sự chất lượng cao thì lại rất ít. Đây là một hiện thực khá buồn.

Để trở thành một chuyên gia quản trị mạng: Không khó

Với tư cách là người làm đào tạo trong lĩnh vực CNTT, vậy giải pháp cho vấn đề nhân sự anh đã nói ở trên là gì?

Vai trò chính ở đây là của các đơn vị đào tạo. Các đơn vị đào tạo CNTT cần có chương trình học tiên tiến, phù hợp với tốc độ phát triển của ngành. Các giáo trình phải phù hợp và liên tục cập nhật theo xu hướng công nghệ, môi trường học tập phải đầy đủ trang thiết bị và công cụ cần thiết. Quan trọng hơn cả đó là phương pháp truyền đạt, phải hướng dẫn học viên biết cách tự học, biết cách tự nghiên cứu công nghệ, biết cách tự suy luận logic như vậy kiến thức người học thu nạp được mới bền. Và quan trọng hơn, học viên cần được thực hành thực tế trên các thiết bị thật, cần va chạm các trường hợp thực tế thì mới mau phát triển kỹ năng được. Nó giống như việc học bơi, nếu không xuống nước bạn không bao giờ biết bơi vậy.

Đó là giải pháp cho bên đào tạo, vậy còn giải pháp dành cho người học là gì? Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ theo đuổi ngành quản trị mạng?

Theo như tôi biết thì riêng vấn đề thực hành ở các trường ĐH, CĐ chính quy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, các sinh viên ham học hỏi thường tham gia vào các khóa học do các đơn vị ngoài tổ chức.

Đầu tiên, các bạn sinh viên trẻ cần phải có định hướng cụ thể hơn trong việc học tập. Tránh tình trạng rơi vào hoàn cảnh “cái gì cũng biết qua nhưng lại không chắc cái gì”. Ngành mạng hiện nay đã đi được một quãng đường xa rồi, nó ko còn là ngành nghề sơ khai như ban đầu nữa. Do đó để đáp ứng được yêu cầu của ngành đòi hỏi các bạn ngoài kiến thức cơ bản còn phải liên tục đào sâu, nâng cấp kiến thức của cá nhân lên. Nếu các bạn đã có định hướng cho ngành nghề của mình thì hãy kiên trì theo đuổi, liên tục trao dồi kiến thức nhằm xây dựng background thật tốt.

Một lời khuyên là nên xác định hướng đi ngay từ những năm đầu trên giảng đường.

Thứ hai, đặc thù ngành mạng đó là tài liệu hoàn toàn bằng tiếng Anh, rất ít tài liệu hay bằng tiếng Việt. Các bạn trẻ nên chú tâm đầu tư ngoại ngữ, ban đầu là đọc hiểu tốt tiếng Anh chuyên ngành. Đó là điều kiện cần để chúng ta có thể tiếp thu đươc các kiến thức chuyên ngành. Thời gian đầu khi đọc tài liệu có thể rất chậm, nhưng sau khi đã quen các bạn sẽ không ngại với việc đọc tài liệu nước ngoài nữa, từ đó có thể dễ dàng tiếp thu kho kiến thức quý báu.

Cuối cùng, sau khi ra trường, bạn không cần lo mình thiếu kinh nghiệm, vì kinh nghiệm chỉ sau khi đi làm rồi mới có. Việc mà các bạn có thể làm khi còn ngồi ghế nhà trường là xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và tiếng Anh tốt như tôi nói thì cơ hội có việc làm rất cao.

“Với tôi, CCIE không chỉ là một chứng chỉ, nó là một hành trình đầy gian khó”

Bất kỳ ai khi theo đuổi lĩnh vực công nghệ mạng, nhất là với mạng của Cisco đều mong muốn có được chứng chỉ CCIE bởi đây là cấp bậc chứng chỉ cao nhất trong hệ thống chứng chỉ Quốc tế của Cisco. Vậy để đạt được nó cần phải chuẩn bị những gì và vượt qua những khó khăn gì thưa anh?

Để hoàn thiện bài thi CCIE cần có 2 bài thi: Lý thuyết và thực hành.Bài thi lý thuyết bao gồm 100 câu hỏi trắc nghiệm kéo dài 2h, thi ở Việt Nam. Nhưng bài thi thực hành kéo dài 8h (2h đầu Troubleshoot – khắc phục lỗi, 6h sau là Configuration - cấu hình 1 hệ thống mạng lớn từ đầu đến cuối) trên hệ thống thiết bị thật của Cisco.

Ở nước ngoài có các khóa học boot-camp - học trong thời gian ngắn, hỗ trợ, định hướng hình thức học thông qua các tổ chức chuyên đào tạo chứng chỉ quốc tế. Tại Việt Nam, chưa có đơn vị chính thức đào tạo CCIE, chủ yếu là các thí sinh tự học. Để tự học phải đọc rất nhiều tài liệu với nhiều chủ điểm khác nhau. Quá trình tích lũy kiến thức này mất khá nhiều thời gian.

Giai đoạn đầu phải tìm hiểu rộng mọi lĩnh vực trong thời gian dài, đối với người ít kinh nghiệm trong lĩnh vực IT Networking sẽ khó khăn hơn. Giai đoạn này mất khoảng 1-3 năm. Giai đoạn sau là giai đoạn tập trung ôn thi, sử dụng các kiến thức tích lũy được từ trước áp dụng vào các bài LAB của Cisco đưa ra, độ khó của các bài LAB là khá cao, đòi hỏi thí sinh ngoài kiến thức chuyên môn tốt thì phải biết cách nhận ra các cái “bẫy” ẩn sau trong bài LAB.  Giai đoạn này khoảng từ 6 tháng – 1 năm tùy mức độ tập trung.
Do độ khó như vậy nên tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ này là không cao.

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành CNTT, trong thời gian sắp tới, Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD) sẽ nghiên cứu mở các khóa Boot camp ôn luyện CCIE để thuận lợi hơn cho những thí sinh muốn dành chứng chỉ danh giá này.

Việc thi lấy chứng chỉ này có vẻ rất khó khăn, vậy chứng chỉ CCIE có giá trị như thế nào trên thế giới và ở Việt Nam?

Trong lĩnh vực IT Networking, CCIE là chứng chỉ hiện được công nhận rộng rãi và có giá trị nhất ở mức độ chuyên gia. Người đạt được chứng chỉ này đã được chứng minh khà năng thao tác, vận hành, xử lý các hệ thống mạng lớn và phức tạp. Hiểu đơn giản thế này: Để hiểu và vận hành 1 hệ thống mạng chỉ cần cấp độ CCNA là cấp độ cơ bản, để trở thành chuyên viên khai thác hệ thống cần CCNP, còn tối ưu, thiết kế, thay đổi mang tính quyết định thì cấp CCNP chưa đủ, những người cấp CCIE là những kỹ sư đầu ngành, kỹ sư thiết kế, chuyên gia, những người đủ uy tín, kinh nghiệm, kiến thức để thao tác những quyết định quan trọng lên hệ thống mạng.

Khi các doanh nghiệp tuyển dụng, việc có các chứng chỉ quốc tế của Cisco như CCNA, CCNP, CCIE được đánh giá hoặc ưu tiên hơn không?

Việc có các chứng chỉ này là lợi thế lớn. Cấp CCNA sẽ là lợi thế khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. CCNP là thuận lợi khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp vừa và lớn. Còn riêng cấp CCIE thì thường xuyên là ưu tiên cao nhất của các doanh nghiệp.
Thực tế công việc của anh là giảng dạy, nghiên cứu đào tạo, không trực tiếp vận hành hệ thống mạng cho các doanh nghiệp lớn, vậy việc cố đạt chứng chỉ CCIE có thực sự giúp gì cho công việc của anh hay đơn giản chỉ là làm tăng uy tín cá nhân?
Trước hết, ở góc độ cá nhân, tôi thấy CCIE không chỉ đơn thuần là 1 tờ giấy chứng chỉ. Nó là một thách thức, một mục tiêu, một cái đích mà bất cứ ai trong ngành cũng muốn đạt được. Quá trình ôn luyện CCIE là một hành trình gian khó nhất mà bản thân tôi từng trải qua.

Trải qua hành trình ôn thi CCIE giúp tôi cập nhận kiến thức mới, vận dụng kiến thức trong các tình huống khó khăn ngặt nghèo, từ đó tôi đúc rút thêm cho mình những kinh nghiệm quý báu để có thể truyền đạt kiến thức cho học viên. BKACAD còn có chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp, nếu không thấu hiểu và nắm vững kiến thức từ những công nghệ tiên tiến, hiểu rõ hệ thống mạng phức tạp của doanh nghiệp, tôi sẽ không đào tạo tốt cho ai được. Đó chính xác là cái mà tôi đạt được.

Đối với đơn vị tôi đang công tác, việc có nhiều người đạt chứng chỉ quốc tế CCIE chứng tỏ rằng học viện CNTT BKACAD vẫn luôn là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nghành CNTT.

Một góc độ khác vĩ mô hơn, cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chất lượng của nền CNTT của một quốc gia cũng phần nào dựa trên số lượng chứng chỉ CCIE mà quốc gia đó có. Toàn thế giới mới có  khoảng  42000 chứng chỉ CCIE đã được cấp và chủ yếu tập trung tại các quốc gia phát triển ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản....Tôi muốn mình góp thêm chút công nhận cho ngành CNTT của Việt Nam.

Sau chứng chỉ này mục tiêu tiếp theo trong công việc của anh là gì?

Mục tiêu mà tôi sẽ cố gắng đạt được trong thời gian tới là tiếp tục trao dồi kiến thức của các mảng khác, thời gian tới tôi muốn đi sâu vào lĩnh vực bảo mật – một lĩnh vực hết sức quan trọng trong ngành CNTT hiện nay. Nếu có điều kiện tối sẽ thi tiếp chứng chỉ CCIE Security. Bên cạnh đó, tôi muốn tập trung triển khai các dự án đào tạo cho các cán bộ, kỹ sư khối doanh nghiệp, tập đoàn.

Anh đã trải qua 5 năm giảng dạy như thế nào tại BKACAD?

Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đứng lớp cách đây 5 năm. Với bản chất trầm tính và chưa có kinh nghiệm phát biểu trước đám đông, trước ngày lên lớp tôi tập nói một mình trong phòng riêng nhiều giờ đồng hồ, thậm chí còn viết ra một kịch bản chính xác từng 5 – 10 phút như một MC để mình biết phải nói gì. Tuy nhiên, đến buổi giảng thật, mặc dù mặt tỏ ra rất nghiêm nghị nhưng tim đập thình thịch. Buổi dạy đầu tiên diễn ra khá ấp úng.

Những trở ngại tâm lý ban đầu đó qua nhanh chỉ sau vài buổi, có lẽ bắt nguồn phần lớn là do mình muốn được chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho những người có cùng đam mê IT – những người mà tôi hay gọi là “bạn cùng đường”.
Bây giờ thì tôi lại có áp lực là phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo chung nên tôi hay đau đáu việc làm thế nào để giúp sinh viên học tốt hơn nữa và giữ cảm hứng cho bản thân phải tự học liên tục.

Xin cảm ơn anh.

Anh Nguyễn Quang Huy hiện đang là Phó GĐ đào tạo, phụ trách mảng Network của Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD), ĐH Bách Khoa HN.
Tốt nghiệp khoa ĐTVT, ĐH Bách Khoa Hà Nội
2 năm kinh nghiệm làm quản trị mạng tại FPT Telecom
5 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Học viện CNTT Bách Khoa (BKACAD)
2005: Đạt chứng chỉ CCNA
2009: Đạt chứng chỉ CCNP
2012: Đạt chứng chỉ CCAI
2014: Đạt chứng chỉ CCIE với số ID Cisco CCIE #42739
Hệ thống chứng chỉ của Cisco phân ra thành 3 cấp. Cấp I gồm các chứng chỉ CCNA (Cisco Certificated Network Association), CCDA (Cisco Certificated Design Association). Cấp II có hai chứng chỉ CCNP (Cisco Certified Network Professional) và CCDP (Cisco Certified Design Professional). Cấp III là chứng chỉ CCIE.

Thí sinh phải qua hai vòng kiểm tra lý thuyết (CCIE Written) và thi thực hành (CCIE Lab). CCIE có nhiều lĩnh vực: Security, Voice, R&S….Người giành được chứng chỉ CCIE Lab xem như đạt trình độ “tiến sĩ Cisco”, được giới công nghệ thông tin đánh giá cao. Ở Mỹ, mỗi “tiến sĩ Cisco” được trả lương khoảng 100.000 USD/năm.


Nhân dự kiện Anh Nguyễn Quang Huy đạt chứng chỉ CCIE, VnExpress có một loạt bài phòng vấn về anh.
Độc giả có thể theo dõi các bài viết qua link:

http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nganh-quan-tri-mang-co-nhu-cau-nhan-luc-chat-luong-cao-2970030.html