Tin tức

NÊN HỌC NGÀNH NÀO CỦA CNTT ĐỂ CÓ NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM ?

NÊN HỌC NGÀNH NÀO CỦA CNTT ĐỂ CÓ NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM ?

14/04/2022 15:34

Công nghệ thông tin bao gồm nhiều chuyên ngành, được biết đến nhiều nhất là: Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật phần mềm, An ninh mạng... Dù bạn học chuyên ngành nào thì tư duy kỹ thuật, khả năng sáng tạo cũng sẽ được coi trọng. Trong quá trình học, bạn sẽ học về cách viết mã lập trình, phát triển và gia công phần mềm, kiến thức về mạng máy tính và truyền thông, bảo mật và an toàn thông tin...

Lương ngành Công nghệ thông tin cao không? Có dễ xin việc không?

Không chỉ là một ngành học hấp dẫn mà ở đó, học viên được tiếp cận với rất nhiều thông tin, môn học thú vị, công nghệ thông tin là ngành hot nhờ tính ứng dụng cao và tình trạng của thị trường lao động hiện nay: Cung không đủ cầu. Nhu cầu tuyển ứng viên học ngành công nghệ thông tin đã và đang không ngừng tăng lên, hơn nữa mức lương cũng khá cao.

Mặt bằng chung, mức lương của các vị trí phổ biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Lập trình viên là từ 10 - 20 triệu/tháng, cao nhất khoảng 40 triệu/tháng; trong khi kỹ sư phần mềm có lương cao nhất có thể lên tới 100 triệu/tháng. Có rất nhiều vị trí không nhất thiết cần bằng đại học thì lương thấp nhất cũng khoảng 10 triệu/tháng, cao nhất lên tới 30 triệu/tháng.

Mặc dù mức lương không phải tất cả để đánh giá một ngành có hot hay không, có nên theo học ngành đó hay không nhưng rõ ràng thu nhập triển vọng, cơ hội việc làm lại là phần không thể thiếu ảnh hưởng tới quyết định của mọi người. Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực cạnh tranh, thu nhập tốt, dễ xin việc thì chắc chắn học công nghệ thông tin là lựa chọn tốt.

 

Nên học chuyên ngành nào của Công nghệ thông tin để có nhiều cơ hội việc làm?

1. Khoa học máy tính

Được xem là chuyên ngành phổ biến nhất trong khối ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính thường là chuyên ngành chỉ có ở đào tạo đại học và sau đại học. Bạn sẽ học về cấu trúc máy tính, hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình..., nhìn chung là cả lý thuyết và thực hành về thông tin, tính toán và hệ thống máy tính, mạng.

Với tấm bằng cử nhân chuyên ngành khoa học máy tính, bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí việc làm như:

  • Lập trình viên: Lập trình viên PHP, lập trình viên Java, lập trình viên .NET, lập trình viên Android, iOS hay lập trình viên Web...
  • Kỹ sư phần mềm.
  • Kỹ sư CNTT.
  • Nhân viên IT.
  • Chuyên viên phân tích dữ liệu.
  • Nghiên cứu, giảng dạy...

2. Kỹ thuật phần mềm

Như tên gọi, ngành kỹ thuật phần mềm cung cấp những môn học để đảm bảo bạn có thể hiểu về cách lập trình, phát triển phần mềm, thử nghiệm, kiểm tra và vận hành, phát hiện lỗi và khắc phục... các phần mềm cho máy tính, thiết bị di động phục vụ công việc và đời sống. Ngành này còn có thể được gọi là công nghệ phần mềm hoặc kỹ nghệ phần mềm.

Hoàn thành chương trình học và có tấm bằng tốt nghiệp ngành kỹ thuật phần mềm, bạn có thể tìm việc làm trong các vai trò nổi bật với thu nhập tốt như:

  • Kỹ sư phần mềm.
  • Kỹ sư hệ thống.
  • Lập trình viên: Lập trình viên web, lập trình viên game, ứng dụng...
  • Nhân viên IT
  • Nhân viên bảo trì phần mềm.
  • Kỹ thuật viên mạng máy tính.
  • Tester (nhân viên kiểm thử phần mềm).
  • Nhân viên triển khai phần mềm.
  • Nhân viên kinh doanh phần mềm...

3. Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu

Tầm quan trọng của mạng kết nối, thông tin, dữ liệu và truyền thông số hóa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế, khi nói về việc nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua chuyên ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu. Trọng tâm trong chương trình học gồm có xây dựng, thiết kế và quản trị hệ thống mạng máy tính, vận hành hạ tầng truyền tải thông tin, truyền thông. Học ngành này, bạn có thể làm trong rất nhiều lĩnh vực từ truyền thông mạng xã hội, thương mại điện tử đến báo chí, quảng cáo trực tuyến...

Những vị trí việc làm phổ biến của ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là:

  • Kỹ sư mạng máy tính.
  • Kỹ sư an ninh mạng.
  • Nhân viên quản trị mạng.
  • Nhân viên IT.
  • Kỹ sư hệ thống
  • Lập trình viên.
  • Nghiên cứu, giảng dạy.

 

4. Kỹ thuật máy tính

Một chuyên ngành khác khá hấp dẫn trong khối ngành CNTT là kỹ thuật máy tính. Bạn sẽ học về cả kỹ thuật phần cứng và phần mềm, từ thiết kế mạch điện đơn giản đến thiết kế vi xử lý, từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến an toàn thông tin và mạng truyền thông dữ liệu. Những cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật máy tính là:

  • Kỹ sư thiết kế.
  • Kỹ sư lập trình viên hệ nhúng.
  • Kỹ sư quản trị hệ thống máy tính.
  • Kỹ sư lập trình ứng dụng.
  • Kỹ thuật viên.
  • Nghiên cứu, giảng dạy...

5. Robot và trí tuệ nhân tạo (AI)

Trước đây, chuyên ngành robot và trí tuệ nhân tạo (AI) thường được gộp chung với khoa học máy tính. Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển thì đây đã trở thành chuyên ngành riêng biệt, được đầu tư rất nhiều ở những quốc gia có nền khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến. Mặc dù tại Việt Nam thì chuyên ngành này vẫn chưa thực sự phổ biến lắm nhưng nếu được hỏi nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin thì chắc chắn bạn không thể không kể đến robot và trí tuệ nhân tạo.

Về cơ bản, chương trình học sẽ tập trung vào phát triển kiến thức, chuyên môn cũng như kỹ năng để phát minh ra máy móc tự động hóa, từ robot công nghiệp đến robot phục vụ cho y tế, chữa bệnh hay nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Học ngành này bạn có nhiều cơ hội đi du học tại nước ngoài và làm việc trong nhiều vai trò rất "ngầu" như:

  • Chuyên gia nghiên cứu AI.
  • Lập trình viên.
  • Kỹ sư mạng máy tính.
  • Kỹ sư/Chuyên viên phát triển ứng dụng AI vào các phần mềm.
  • Kỹ sư/Chuyên viên phát triển hệ thống tự động hóa và robot.
  • Chuyên viên về mảng Big Data (nghiên cứu, phân tích dữ liệu lớn)...

6. Hệ thống thông tin

Cũng là học về công nghệ thông tin nhưng ngành hệ thống thông tin chủ yếu bao gồm các kiến thức, kỹ năng về thu thập, xử lý, lưu trữ và phân phối thông tin và dữ liệu. Ứng dụng của ngành này đều nhằm tìm ra giải pháp quản lý chính trị xã hội và kinh doanh. Trong vài năm gần đây thì chuyên ngành này ngày càng hot vì khá dễ xin việc mà mức lương cũng rất ổn. Một số lựa chọn nghề nghiệp cho bạn bao gồm:

  • Nhân viên Quản trị Mạng
  • Kỹ sư thiết kế.
  • Chuyên viên phân tích dữ liệu.
  • Kỹ sư hệ thống.
  • Quản trị viên hệ thống thông tin.
  • Lập trình viên.
  • Nhân viên IT.
  • IT Helpdesk.
  • Nghiên cứu, giảng dạy.

7. An ninh mạng

Khi được hỏi nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin, rất có thể những người trong nghề với kinh nghiệm dày dặn sẽ khuyên bạn nên thử sức với chuyên ngành an ninh mạng - hấp dẫn, lương cao mà lại còn khá "hiếm" nên dễ xin việc. Bạn sẽ được học về lập trình, phân tích dữ liệu, phân tích rủi ro và các mối đe dọa, cách thiết kế bảo mật cho hệ thống thông tin, kỹ thuật mật mã... Công việc của những ai học và làm trong lĩnh vực an ninh mạng là bảo vệ hệ thống, chống lại sự xâm nhập của tin tặc, đảm bảo an toàn không gian mạng.

Những vị trí việc làm dành cho các bạn có bằng cử nhân ngành an ninh mạng là:

  • Chuyên viên an toàn thông tin.
  • Chuyên viên quản trị an ninh mạng.
  • Chuyên viên phân tích dữ liệu.
  • Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu.
  • Chuyên viên điều tra tội phạm mạng.
  • Kỹ sư an ninh mạng.
  • Lập trình viên website, ứng dụng, phần mềm....

Nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin không phải là một câu hỏi dễ tìm ra đáp án. Tuy nhiên, với những thông tin BKACAD vừa chia sẻ thì chắc hẳn bạn đã có định hướng tốt hơn rồi đúng không? Dù học ngành nào thì sự nỗ lực và niềm yêu thích cũng sẽ quyết định rất nhiều đến thành công của bạn!